Ưu và nhược điểm của máy vắt sữa mẹ

Có nên sử dụng máy vắt sữa mẹ hay không hiện đang là thắc mắc phổ biến. Vắt sữa bằng máy có ưu và nhược điểm riêng, tuy nhiên, bạn nên tránh lạm dụng.

Thời xa xưa, để vắt sữa mẹ, người ta chủ yếu dùng bằng tay. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các loại máy vắt sữa cũng lần lượt ra đời để đem đến sự thuận tiện cho mẹ. Nhiều mẹ lo lắng việc sử dụng máy vắt sữa thường xuyên có thể khiến núm vú bị to ra hoặc lượng sữa tiết ra ít và mất dần. Thế nhưng, liệu những lo lắng này có đúng? Hãy cùng Hello Bacsi theo dõi những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm về ưu và nhược điểm của việc dùng máy vắt sữa mẹ nhé.

Lợi ích khi dùng máy vắt sữa mẹ

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bất cứ bà mẹ nào cũng hiểu rõ điều này, nhưng với nhiều người nuôi con bằng sữa mẹ không phải là việc dễ dàng. Đôi lúc, bạn sẽ cần đến sự hỗ trợ của máy vắt sữa trong trường hợp mẹ ít sữa, không đủ sữa cho con bú hoặc trong trường hợp bé sinh non, không đủ sức khỏe hoặc gặp phải các bệnh như sứt môi, hội chứng down… khiến bé khó bú mẹ.

Ngoài ra, nếu phải đi làm không thể cho con bú thường xuyên, bạn cũng cần dự trữ sữa để người chăm sóc bé có thể cho bé bú. Dưới đây là một số lợi ích của máy vắt sữa mẹ:

1. Máy vắt sữa giúp lượng sữa mẹ về nhiều

Sữa mẹ được tạo ra dựa trên quy luật cung cầu. Mẹ càng vắt sữa nhiều hoặc cho bé bú càng nhiều thì lượng sữa sẽ về càng nhiều. Đa phần, vắt sữa mẹ đều sẽ cho lượng sữa mẹ về nhiều hơn so với khi bé bú trực tiếp. Nguyên do là khi vắt sạch sữa, cơ thể của mẹ tự hiểu là bé cần lượng sữa nhiều hơn nên sẽ tiết sữa nhiều hơn. Điều này đặc biệt hữu ích nếu bạn sinh đôi, sinh ba bởi nó giúp bạn cung cấp đủ sữa cho tất cả các bé.

2. Giảm nguy cơ vú bị căng sữa, viêm vú, tắc tia sữa

Nếu bé không thể bú hết lượng sữa mà bạn tiết ra, ngực của mẹ có thể trở nên căng cứng và gây đau. Lúc này, bạn có thể sử dụng máy vắt sữa mẹ để giảm bớt khó chịu. Không những vậy, sử dụng máy vắt sữa mẹ còn có thể giúp giảm nguy cơ bị viêm vú, ngăn ngừa tình trạng tắc tia sữa.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về tình trạng tắc tia sữa qua bài viết Tắc tia sữa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị

3. Giúp khắc phục tình trạng núm vú phẳng hoặc bị thụt vào

Lực hút của máy vắt sữa có thể giúp rút và kéo dài núm vú ra, giúp bé bú mút dễ dàng hơn.

Máy vắt sữa giúp cho cuộc sống của các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ trở nên thuận tiện hơn. Với máy vắt sữa mẹ, bạn có thể đi làm lại sau khi sinh con nhưng bé vẫn được bú sữa mẹ đầy đủ.

Nhược điểm của máy vắt sữa mẹ

Mặc dù máy vắt sữa có nhiều lợi ích nhưng nó cũng tiềm ẩn một vài nhược điểm mà bạn nên tìm hiểu. Dưới đây là một số nhược điểm mà bạn nên biết khi sử dụng máy vắt sữa mẹ:

1. Bé không nhận được toàn bộ chất dinh dưỡng từ sữa mẹ

Khi cho con bú, cơ thể mẹ sẽ tạo ra nhiều loại kháng thể phù hợp với nhu cầu của bé và đưa vào sữa mẹ, bảo vệ bé khỏi các bệnh nhiễm trùng. Ngoài ra, khi bé bú trực tiếp, bé sẽ nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển khỏe mạnh. Việc vắt sữa, bảo quản có thể khiến các kháng thể và chất dinh dưỡng quan trọng trong sữa mẹ bị mất đi.

Mời bạn xem thêm bài viết Bật mí cách bảo quản sữa mẹ đúng cách để bảo đảm nguồn sữa cho con

2. Vắt sữa bằng máy có thể làm tổn thương núm vú và mô vú

Việc vắt sữa bằng máy có thể làm hỏng núm vú và mô vú. Đặc biệt, nếu sử dụng không đúng cách, bạn còn có thể cảm thấy đau đớn dữ dội.

Nếu chưa biết cách vắt sữa mẹ, bạn hãy tham khảo bài viết Cách vắt sữa mẹ hiệu quả để con có nguồn sữa tốt

3. Gây đau đớn do hút sữa quá nhiều

Việc sử dụng máy vắt sữa mẹ có thể khiến các bà mẹ muốn hút một lượng sữa lớn trong 1 lần để bảo quản và dùng dần dần. Tuy nhiên, điều này lại khiến cơ thể giải phóng quá nhiều hormone làm cho ngực bị sưng đau và căng sữa.

4. Giảm thời gian gần gũi với bé

Cho bé bú trực tiếp sẽ giúp thắt chặt thêm tình cảm giữa mẹ và bé. Nếu bạn vắt sữa và cho vào bình, bạn sẽ có ít thời gian để gần gũi với bé hơn so với khi cho bú trực tiếp.

5. Tốn thời gian vệ sinh máy và bình sữa

Một trong những nhược điểm của việc sử dụng máy vắt sữa là bạn phải dành nhiều thời gian để vệ sinh tất cả các bộ phận của máy. Từ bình sữa đến núm vú, tất cả đều cần được rửa sạch và khử trùng kỹ lưỡng trước và sau mỗi lần sử dụng.

6. Sữa mẹ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn

Dù bạn có làm sạch và khử trùng các chi tiết của máy vắt sữa tốt đến đâu thì cũng có những bộ phận rất khó vệ sinh, do đó dễ tích tụ nấm mốc và vi khuẩn. Các loại vi khuẩn này có thể xâm nhập sữa mẹ và khiến bé bị bệnh nếu uống phải.

Những nguyên tắc bạn cần nhớ khi sử dụng máy vắt sữa mẹ

Zalo
Ưu và nhược điểm của máy vắt sữa mẹ

Dưới đây là một số bí quyết bạn cần nhớ khi sử dụng máy vắt sữa để tránh gặp phải một số tác dụng phụ:

Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi sử dụng: Bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên tốt nhất về việc cho con bú cũng như cung cấp cho bạn một số thông tin cần lưu ý khi sử dụng máy vắt sữa mẹ.

Cho con bú trực tiếp trong ít nhất sáu tháng đầu: Việc cho bé bú trực tiếp sẽ làm tăng nồng độ hormone oxytocin. Hormone này giúp kích thích phản xạ sữa xuống. Nồng độ oxytocin trong cơ thể càng cao thì sữa sẽ về càng nhiều.

Thay máy vắt sữa sau 8 đến 10 tháng để tránh tình trạng sữa mẹ bị nhiễm khuẩn. Máy vắt sữa sử dụng lâu ngày có thể khiến cho nấm mốc phát triển trong các chi tiết nhỏ của máy. Điều này khiến sữa mẹ dễ bị nhiễm khuẩn, làm bé dễ bị bệnh. Ngoài ra, máy vắt sữa cũng có thể không hoạt động hiệu quả, khiến lượng sữa mẹ tiết ra ít hơn.

Sử dụng máy vắt sữa bằng điện thay vì bằng tay để tránh cảm thấy mỏi mệt mỗi khi phải vắt sữa.

Tần suất vắt sữa : Nếu bạn cần kích sữa, tăng lượng sữa mẹ, bạn nên hút sữa sau sau mỗi 2 – 3 tiếng, khoảng 8 – 12 lần/ngày. Khi sữa mẹ đã ổn định, bạn có thể hút 6 – 8 lần/ngày để duy trì nguồn sữa mẹ. Nếu đi làm, bạn có thể hút sữa tại nơi làm việc từ 3 – 4 lần. Còn nếu không được thì mẹ có thể hút sữa trước khi đi làm hoặc ban đêm trước khi đi ngủ. Thời gian vắt mỗi cữ khoảng 15 – 20 phút. Nếu vắt quá lâu có thể làm tổn thương mô vú, dẫn đến lượng sữa mẹ giảm. Ngoài ra, nó còn có thể làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, từ đó sữa sẽ ít dần và mất sữa.

Khi vắt sữa, bạn phải luôn cảm thấy thoải mái, dễ chịu

: Việc vắt sữa phải đảm bảo không gây đau đớn. Một số nguyên nhân có thể làm cho bạn khó chịu đó là do kích thước phễu hút sữa không đúng hoặc lực hút máy hút sữa không phù hợp. Ngoài ra, để cảm thấy thoải mái, dễ chịu, bạn có thể nghe những bản nhạc mình yêu thích hoặc xem các video vui nhộn.

Chọn máy vắt sữa mẹ tốt: Khi chọn mua máy vắt sữa mẹ, bạn nên chọn những sản phẩm chất lượng. Bởi nếu dùng máy vắt sữa loại tốt, bạn có thể hút đủ sữa cho con bú, sẽ tiết kiệm được rất nhiều khoản chi tiêu khác như tiền mua sữa công thức, chi phí khi con bị bệnh.

Cách chọn máy vắt sữa mẹ

Mua máy vắt sữa không phải là việc đơn giản, rất nhiều bà mẹ phải mua và đổi 2 – 3 lần mới chọn được một chiếc máy phù hợp. Mỗi người sẽ có những yêu cầu khác nhau nhưng tiêu chí chung để bạn chọn lựa thường là: lực hút mạnh, có chế độ massage, có nhiều cấp độ lực hút, có nhiều kích thước phễu và cách sử dụng đơn giản.

Nên chọn máy vắt sữa mẹ dạng đôi hay đơn? Vắt bằng tay hay bằng điện?

Những lựa chọn này tùy thuộc vào nhu cầu của bạn và bé. Bạn nên chọn máy vắt sữa đơn, bằng tay nếu bạn có nhiều thời gian để chăm sóc bé và không có nhu cầu hút sữa nhiều lần mỗi ngày. Còn nếu bạn khá bận rộn, có nhu cầu hút sữa nhiều lần mỗi ngày thì máy vắt sữa đôi, bằng điện lại là lựa chọn phù hợp.

Nhìn chung, máy vắt sữa mẹ có thể đem đến cho bạn rất nhiều sự tiện lợi. Nó sẽ đảm bảo bé vẫn có đủ sữa mẹ để bú ngay cả khi bạn không có bên cạnh. Tuy nhiên, bạn đừng nên lạm dụng, nếu được hãy cho bé bú trực tiếp càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, nếu có ý định sử dụng, bạn cũng nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ nhé.

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.