Tâm lý: 9 hiệu ứng tâm lý đặc biệt ở con người

Tâm lý con người rất phức tạp. Đằng sau mỗi một hành động đều ẩn chứa một bí mật tâm lý nào đó. Dưới đây là 9 hiệu ứng tâm lý đặc biệt ở con người có thể giúp bạn hiểu thêm về hành vi của người khác cũng như bản thân mình.

9. Hiệu ứng lan toả (Halo Effect)

Hiệu ứng lan toả được hiểu nôm na là hiện tượng “nhận thức trở nên thiên vị”. Nếu bạn có ấn tượng tốt với một người thì bạn luôn có xu hướng nhìn vào điểm tốt của người ấy. Ngược lại, khi có ấn tượng xấu thì bạn luôn nỗ lực nhìn cái xấu mà không thèm để ý đến ưu điểm của họ.

Đây cũng chính là lý do mà các hãng chịu chi một số tiền không nhỏ để mời bằng được ngôi sao hay các KOL (Key Opinion Leader – người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng mạng) để quảng cáo sản phẩm của mình, nhằm khiến người tiêu dùng dễ có cảm tình và cái nhìn tích cực hơn về mặt hàng đó.

8. Hiệu ứng bàng quang (Bystander Effect)

Hiệu ứng bàng quang có thể được hiểu như sau: “Khi một người gặp rắc rối hoặc tai nạn, nếu có càng nhiều người chứng kiến vụ việc thì họ sẽ càng có ít cơ hội được giúp đỡ hơn”. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng chúng ta hoàn toàn có thể bắt gặp hiệu ứng này trong các vụ tai nạn trên đường phố.

Theo lý giải của các nhà khoa học, căn nguyên của hiệu ứng này là do hầu hết mọi người chứng kiến vụ việc đều nghĩ rằng, sẽ có người khác trong đám đông giúp đỡ nạn nhân và mình chỉ là “người ngoài cuộc”.

Do đó, nếu chẳng may rơi vào tình huống hiểm nghèo ở chỗ đông người, hãy nhờ đích danh một người hoặc một nhóm nhỏ quanh đó để giúp đỡ bạn, đừng thụ động trông chờ vào lòng nghĩa hiệp của đám đông.

7. Hiệu ứng “ánh đèn sân khấu” (Spotlight Effect)

Sau khi tham dự một bữa tiệc, nếu bạn không ngừng chất vấn mình với những câu hỏi như: “Liệu trang phục của mình có quá lòe loẹt?”, “Liệu mình có làm việc gì ngu ngốc không?” hay “Liệu mình có làm cô ấy phật ý với lời nói đùa đó không?” thì chứng tỏ bạn đang là nạn nhân của hiệu ứng “ánh đèn sân khấu ”.

Cơ sở của hiệu ứng tâm lý này chính là việc con người luôn bị ám ảnh rằng, đám đông luôn chú ý, soi mói và đánh giá về từng hành động của mình.

6. Hiệu ứng “anh hùng bàn phím” (Online Disinhibition Effect)

Hiệu ứng anh hùng bàn phím xuất hiện cùng với sự bùng nổ của internet.

Cụ thể, khi trở thành một phần của cộng đồng mạng, đặc biệt là các trang mạng xã hội, con người sẽ dễ trở nên xấu tính, cọc cằn và thích phán xét hơn. Hệ quả của hiệu ứng tâm lý này là chúng ta thường đưa ra các bình luận thiếu tế nhị, khiếm nhã về một cá nhân hay vấn đề, mà mình thậm chí chỉ vừa lướt qua trên internet.

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính của hiệu ứng này là sự mất phản xạ có điều kiện, đến từ việc chúng ta có thể dễ dàng che đậy bản thân bằng một nickname trong thế giới ảo, và dường như không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì về các hành động của mình.

5. Hiệu ứng “đội trưởng đội cổ vũ” (Cheerleader effect)

“Cheerleader” là từ dùng để chỉ đội cổ vũ của các CLB thể thao, vốn phổ biến ở Mỹ, thường gồm những cô gái xinh đẹp. Điều đặc biệt là từ này cũng được sử dụng để đặt tên cho mộ thiệu ứng tâm lý – Hiệu ứng Cheerleader.

Hiệu ứng này có thể được hiểu như sau: “Dù chỉ sở hữu nhan sắc bình thường nhưng khi đứng giữa những người bạn khả ái, chúng ta cũng sẽ trở nên xinh đẹp hơn trong mắt người khác”.

Theo lý giải của các nhà khoa học, hiện tượng này là hệ quả của việc bộ não con người sẽ nhìn nhận mỗi thành viên trong nhóm: Hệ thống thị giác sẽ tự động tính đại diện toàn thể các khuôn mặt trong nhóm, do đó dù bạn sở hữu một khuôn mặt trung bình cũng sẽ trở nên hấp dẫn hơn.

4. Hiệu ứng Dunning-Kruger (Dunning-Kruger Effect)

Chắc hẳn trong cuộc sống, chúng ta cũng đã chứng kiến không ít trường hợp nghịch lý.

Khi một người vừa chập chững vào nghề lại thành công vang dội. Trong khi đó, có những người lại vật lộn hàng năm trời vẫn chưa thể làm nên kỳ tích. Thực tế này lại có liên quan đến một hiệu ứng tâm lý có tên “Dunning-Kruger”.

Theo đó, một người có nhiều năm trong nghề, khi đã nắm được hầu hết kiến thức cũng như kinh nghiệm, sẽ trở nên thận trọng và cầu toàn hơn. Trong khi đó, một “tân binh” lại thường liều lĩnh và thích quyết định theo cảm tính, dù dễ phải đối mặt rủi ro nhưng họ lại rất có khả năng tạo nên sự đột biến trong công việc.

3. Hiệu ứng “nhìn thấy tương lai từ quá khứ” (Déjà Vu effect)

Đã bao giờ bạn trải qua cảm giác lần đầu tiên đến thăm một cửa hiệu, nhưng rồi bất chợt nhận ra mình “đã” từng đến đây? Hoặc khi đang trò chuyện cùng bạn bè say sưa, bạn giật mình khi có cảm giác rằng mình “đã” từng nghe qua chính xác đoạn hội thoại này? Nếu câu trả lời là “Có”, thì điều đó có nghĩa là bạn đã được trải nghiệm hiệu ứng có tên “Déjà vu”.

“Déjà vu” là một thuật ngữ tiếng Pháp, được dịch theo nghĩa đen là “đã từng nhìn thấy”. Theo số liệu thống kê không chính thức, có đến 60 – 70% dân số thế giới từng trải qua hiệu úng này ít nhất một lần trong đời.

Dù rằng đã và đang được phát hiện, nghiên cứu trong hơn 100 năm qua nhưng có lẽ, giới khoa học vẫn cần nhiều thời gian để giải mã được hiện tượng Déjà vu kỳ bí này. Tuy nhiên, nếu xét trên góc độ y học, hiện tượng này không gây nguy hại cho sức khỏe con người mà thực tế, nó còn đem đến cảm giác khá thú vị.

2. Hiệu ứng Google (Google Effect)

Hiệu ứng tâm lý này là hệ quả của quá trình phát triển công nghệ. Khi Google trở nên quá phổ biến, con người dễ dàng quên đi kiến thức, thông tin với tốc độ cực nhanh dù vừa mới đọc qua trước đó.

Đơn giản là vì khi cần, chúng ta lại có thể tiếp tục tra cứu nó ngay lập tức. Và rồi sau khi tra, dù rất muốn nhớ nhưng khi gặp lại, bạn vẫn phải tiếp tục rút điện thoại ra Google tiếp.

1. Hiệu ứng “ảo giác khuôn mặt” (Pareidolia effect)

“Pareidolia” là một hiệu ứng tâm lý rất phổ biến và xảy ra thường xuyên với hầu hết mọi người.

Theo định nghĩa về hiệu ứng Pareidolia, con người sẽ có xu hướng liên tưởng và gán ghép một sự vật, sự việc hay khung cảnh mới lạ mình vừa chứng kiến với những thứ đã quen thuộc trước đây.

Để dễ hiểu hơn, hãy nhìn 2 bức ảnh trên đây, nếu bạn thấy chúng có sự tương quan thì đó chính là “Pareidolia”.