Rợn tóc gáy với những hiện tượng bí ẩn không thể lí giải
Có những hiện tượng kì bí mà đến nay khoa học vẫn đành “bó tay”…
Khoa học ngày càng tiên tiến, con người đã ra khám phá đến vũ trụ nhưng chính tại một vài nơi trên trái đất, có những hiện tượng “siêu linh kì bí” vẫn là một dấu chấm hỏi lớn.
Hãy cùng tìm hiểu xem rốt cuộc những hiện tượng rùng rợn nào đã khiến cho cả khoa học cũng đành “bó tay”.
Biệt thự Winchester
Biệt thự Winchester trong “huyền thoại” và bà góa phụ Sarah Winchester -chủ nhân căn biệt thự.
Biệt thự Winchester là một khu dinh thự hiếm có được xây dựng vào thế kỷ 19 ở San Jose, California, Mỹ. Tòa dinh thự này thuộc sở hữu của bà góa phụ Sarah Winchester , được xây dựng với cấu trúc vô cùng kì lạ theo lời đồn nhằm để giúp bà tránh khỏi sự quấy nhiễu của các hồn ma đã chết dưới vũ khí do xưởng của chồng bà sản xuất.
Khu biệt thự được xây dựng dựa trên chỉ đạo của bà mà chưa từng hỏi qua ý kiến bất kỳ kiến trúc sư nào, và các tính năng bổ sung vào ngôi nhà rất ngẫu hứng. Qua thời gian, khu trang trại này đã mở rộng quy mô thành một khu dinh thự khổng lồ với 150 phòng ngủ, 2 phòng khiêu vũ, 47 lò sưởi, 17 ống khói, 2 tầng hầm, 3 thang máy, và hơn 10.000 ô cửa kính.
Khu biệt thự đồ sộ nhìn từ trên cao.
Điều kì bí của căn nhà này nằm ở chỗ các cột trụ được xây lộn ngược, cửa ra vào mở ra bức tường hoặc mở ra khoảng không từ tầng 3, các bậc cầu thang kết thúc ở trên trần nhà, các căn phòng rộng được ngăn cách bởi các bức tường, được trang trí và trang bị đầy đủ nội thất, đồng thời con số 13 ám ảnh (vì người phương Tây rất kiêng kị số 13) và hoạ tiết mạng nhện được sử dụng ở khắp khu nhà. Có những cánh cửa với 13 ô cửa, cửa sổ với 13 ô kính, cầu thang 13 bậc, và ngay cả lỗ thoát nước bồn rửa tay cũng được đục 13 lỗ.
“Door to nowhere”…
Cầu thang kì dị nối lên trần nhà.
Căn nhà được xây dựng trong vòng 39 năm cho đến khi bà Sarah mất. Và sau này thì căn nhà đã bị nhiều người đồn với những câu chuyện ám ảnh như: một số người thấy các bóng ma bao gồm cả bà Sarah lởn vởn ở các cửa sổ, trong nhà thường hay phát ra tiếng đập cửa dù bị bỏ hoang, những giọng nói kì lạ,…
Đến nay căn nhà vẫn còn là một điều bí ẩn thách đố tri thức nhân loại. Nhưng không thể phủ nhận rằng căn biệt thự này cũng là một công trình kiến trúc độc đáo và ám ảnh của nước Mỹ.
Biệt thự Woodchester
Mặc dù nằm nép mình sau một ngọn đồi với cảnh sắc xung quanh làm say đắm lòng người nhưng biệt thự Woodchester vẫn bị đồn đoán là một trong những căn nhà bị “ma ám” nổi tiếng nhất nước Anh.
Dù nằm ở một vị trí rất thơ mộng nhưng nhìn từ ngoài thì căn biệt thự này cũng đủ khiến bất kì ai “lạnh sống lưng”.
Những hiện tượng siêu nhiên tại căn nhà này đã xuất hiện từ năm 1840 khi bá tước đời thứ hai của gia tộc Ducie đang tổ chức tiệc mừng kế vị ngôi lãnh chúa thì hồn ma của cha ông xuất hiện trên ghế chủ tọa. Vị bá tước hoảng sợ tới mức phải bỏ đi và không bao giờ dám quay lại.
Đến sau này, ngôi nhà đã được William Leigh – một hội viên hội Tam điểm – mua lại và cho xây dựng theo kiến trúc Gothic thời Phục Hưng. Do trong quá trình xây dựng đã xảy ra mâu thuẫn, công nhân lại đình công nên căn nhà chỉ được xây dang dở với các cửa sổ không kính. Sau khi William Leigh mất năm 1873, căn nhà đã bị bỏ hoang. Và đến Thế chiến thứ hai, quân Mỹ và Canada trưng dụng hầm biệt thự để trữ vũ khí và là nơi tập trận cho D-Day.
Dường như tất cả những hồn ma của căn biệt thự này là tập hợp các hồn ma qua 3 lần chủ.
Trải qua 200 năm lịch sử, nhiều câu chuyện về các hồn ma ở đây được lan truyền đã khiến cho nhiều người “rùng mình”. Những câu chuyện về hồn ma các binh lính mặc quân phục vẫn ở lại trong căn biệt thự, bóng người đàn ông dưới hầm rượu, người ta nghe thấy tiếng nhạc của những năm 1940 vang vọng trong hành lang, phòng cầu nguyện có thì có mùi nến cháy rất mới dù rất lâu rồi không ai đốt nến trong đây cả,…
Những câu chuyện “rợn tóc gáy” ấy lại càng kích thích trí tò mò của khách du lịch. Và cũng rất nhiều cầu chuyện li kì được thêu dệt thêm bởi các khách du lịch như: một cái đầu nổi lềnh bềnh trong bồn tắm, tiếng hát ai oán của một phụ nữ vọng ra từ dưới bếp hay bóng ma nam giới cao lớn đứng ở cửa bếp và nhìn soi mói như đang tìm kiếm, chú chó của người trông coi biệt thự vẫy đuôi và liếm vào không trung như có ai ở đó…
Bởi vì tính chất ghê rợn của căn nhà mà một số khách tham quan đã bất tỉnh khi đến đây và mọi người cũng cho rằng đó là do có “thế lực vô hình” ám lấy. Mặc dù không thể kiểm chứng được độ xác thực của các câu chuyện nhưng nơi đây cũng đã trở thành điểm thu hút khách du lịch bậc nhất ở Anh.
Khuôn mặt ở Belmez
Những khuôn mặt ma quái xuất hiện trên nền gạch đã biến một căn nhà nhỏ bình thường ở Belmez trở thành một trong những nơi ám ảnh bậc nhất Tây Ban Nha.
Gương mặt ám ảnh trên nền nhà thay đổi qua các năm.
Câu chuyện xảy ra từ tháng 8 năm 1971, ngôi nhà nhỏ của Maria Gomez Pereira ở thị trấn Belmez đã xuất hiện lần lượt các vết bí ẩn trên nền gạch phía trước lò sưởi và dần hình thành rõ thành một khuôn mặt ma quái khiến cho bà chủ nhà vô cùng khiếp sợ.
Vì quá sợ hãi bà đã nhờ chồng đập và lát lại nền gạch mới với hi vọng hiện tượng sẽ biến mất nhưng chỉ sau một tuần thì gương mặt đó lại xuất hiện và ngày càng rõ nét hơn. Đến lúc này gia đình bà đã vô cùng hoảng loạn và phải nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền.
Sau đó, một cuộc khai quật nền nhà đã khiến ai cũng “lạnh người” khi dưới sâu nền đất chỗ lò sưởi này người ta đã thu được hàng trăm bộ xương người, điều đặc biệt là chúng gần như không có đầu. Tiến hành phóng xạ cac-bon cho thấy, đây là xương người chết từ thế kỷ XIII – đó có thể là một hố chôn tập thể của những phạm nhân bị tử hình.
Những gương mặt đáng sợ vẫn không thôi xuất hiện trên nền gạch dù cho chủ nhà đã đập bỏ và thay nền đến 2 lần.
Sau khi gia đình bà mang các hài cốt đi chôn cất ở gần đó, mọi chuyện tưởng chừng như êm xuôi thì một ngày nọ, gương mặt đó không những không mất đi mà còn rủ thêm nhiều bạn bè của mình tới viếng thăm gia chủ. Có rất nhiều gương mặt, rất nhiều lứa tuổi thay nhau xuất hiện, họ di chuyển, lan rộng khắp nền nhà.
Trải qua suốt 30 năm, những gương mặt xa lạ dần trở thành “gương mặt thân quen” ám ảnh gia đình nhỏ của bà Maria Gomez Pereira . Rất nhiều nhà khoa học, địa chất học đã đến nghiên cứu nhưng đành “bó tay”. Thậm chí kinh hoàng hơn khi các nhà khoa học đã dùng tới các thiết bị đặc biệt ghi lại xung động âm thanh ở căn phòng này. Những âm thanh thu được đã khiến họ lạnh sống lưng, đó là những tiếng kêu gào, cầu cứu, khóc lóc, van xin. Họ gọi đó là âm thanh đến từ địa ngục.
Đến nay câu chuyện về “khuôn mặt ma ám” vẫn luôn là câu chuyện hấp dẫn kích thích con người và không ai có thể lí giải.
Chuyến bay 401
Mọi người vẫn nghĩ ngành hàng không là một trong những nơi “sang chảnh” nhất, hiện đại nhất nhưng vẫn có những góc khuất “rợn người” khiến chính những người trong cuộc vẫn luôn đau đầu vì không thể lí giải. Đơn cử là nỗi ám ảnh mang tên: Chuyến bay 401.
Xác của chiếc máy bay gặp nạn 401 tại hiện trường.
Một buổi tối tháng 12 năm 1972, chuyến bay 401 chở 101 hành khách đã không may rơi xuống đầm lầy ở Miami. Tai nạn đã khiến toàn bộ hành khách và cả phi hành đoàn bao gồm cơ trưởng Loft và cơ phó Don Repo thiệt mạng. Tại hiện trường vụ tai nạn, những mảnh vỡ rơi tung tóe, xác người nằm la liệt trên cả 1 km diện rộng. Cũng từ đây tin đồn về những bóng ma của chuyến bay 401 này cũng bắt đầu lan rộng.
Không dưới 20 lần các hành khách và thành viên phi hành đoàn một số máy bay đã phàn nàn rằng họ đã gặp cơ trưởng Loft và cơ phó Repo trên các chuyến bay, lúc thì ở cabin, khi thì ở khoang hành khách. Nỗi ám ảnh này còn được chứng thực bởi câu chuyện phó giám đốc của một hãng hàng không tin chắc rằng mình đã nói chuyện với cơ trưởng Loft mà lúc đó ông ấy chỉ nghĩ là một phi công bình thường cho đến lúc sau mới nhận ra.
Câu chuyện li kì này trở thành đề tài nóng hổi trên các báo và lời truyền kể ngày càng lan rộng với các tình tiết được thêu dệt thêm. Đến nay, bí ẩn này vẫn là một bí ẩn mặc dù cũng có một số lời giải thích cho rằng do sau khi tìm được xác máy bay, một số bộ phận còn dùng được của máy bay 401 đã được tận dụng lắp vào máy bay khác và điều đó giúp cho cơ trưởng Loft và cơ phó Don Repo “lần theo dấu vết” để lên máy bay.