Làm gì để làm dịu ‘cái đầu nóng’ của bạn đời

Thời tiết quá nắng nóng sẽ khiến cho tâm trạng con người dễ nóng giận hơn. Thực tế cho thấy, vào những lúc nóng bức, những người nóng tính rất dễ giận dữ khiến cho người sống cùng nhiều lúc không thể hiểu nổi. Là bạn đời, làm thế nào đối phó với những cơn “điên rồ” vì thời tiết này ở người kia?

“Nổi điên” vì gọi vợ đến câu thứ hai mới chịu mở cửa

Anh Huy, một người thợ lắp điều hòa ở Hà Nội kể rằng: “Cách đây vài ngày tôi đến lắp điều hòa cho một gia đình ở phường Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Gia đình này đã xảy ra câu chuyện khiến mỗi lần nghĩ đến tôi lại bật cười.

Hôm đó, tôi cùng người chồng từ cửa hàng điều hòa về lúc đó vào khoảng 15 giờ, nhiệt độ ngoài trời lên đến 50 độ C. Đến nhà, người chồng gọi “Hương ơi”. Gọi câu thứ nhất không ai trả lời, người chồng liền xuống xe, đập cửa và gọi tiếp câu thứ 2 “Hương!”.

Lúc này một người phụ nữ đang mang đôi găng tay rửa bát vội vàng chạy ra. Chị chưa kịp mở cửa thì người chồng đã hét lên: “Sao gọi mãi mà không trả lời hả? Tôi tưởng cô bị điện giật chết trong nhà rồi!”.

Trái ngược với thái độ hung hăng của chồng, người vợ im lặng không nói gì, nhưng thái độ mừng rỡ ra mở cửa. “Xong rồi chị lật đật vào nhà mang hai cốc nước mát ra, một cho chồng, một cho tôi rồi nói: “Ôi mùa xuân hôm nay đã về đến nhà rồi đây!”.

Lúc này cơn nóng giận của người chồng đã được hạ bớt nhưng anh ta vẫn cố thể hiện “cô làm cái đ. gì mà gọi mãi không được thế, cô liệu mà bỏ cái tai nghe điện thoại ra không tôi vứt sọt rác bây giờ”. Chị vợ vẫn bình tĩnh, chẳng có chút tự ái giận dỗi gì nói tiếp: “Ôi em vẫn nguyên trạng đây này, có cái tai nghe nào đâu, chắc tại em xả nước cọ nhà vệ sinh nên không nghe thấy tiếng chồng đấy. So ri chồng nha!!!”.

Sau khi ra về tôi cứ ấn tượng mãi về cặp vợ chồng này. Người chồng thì quá nóng nảy và điên rồ một cách vô lý. Nhưng chị vợ thì nhẫn nhịn và mát mẻ một cách đáng nể. Tôi thấy mình cần phải kể ra đây để các bà vợ có chồng nóng tính có thể học tập”.

Mới đây một nghiên cứu của Giáo sư Liuba Belkin tại Đại học Lehigh ở Bethlehem, Pennsylvania (Mỹ) và Maryam Kouchaki, trợ lý giáo sư ở Northwestern ở Evanston, Illinois (Mỹ) cho thấy, nhiệt độ môi trường nóng thực sự làm giảm hành vi xã hội. Nhiệt độ nóng không chỉ làm cho chúng ta trở nên cáu kỉnh, mà còn khiến cho người ta phạm tội nhiều hơn.

Một nghiên cứu khác ở Anh cũng chứng minh, thời tiết nắng nóng sẽ khiến chúng ta suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, gắt gỏng, trở nên hung hăng và ít muốn giúp đỡ người khác.

Theo tờ báo The Guardian, vào ngày nắng nóng đỉnh điểm, những cuộc tranh luận thường gay gắt hơn, những cuộc bạo động lớn tại Anh cũng thường diễn ra nhiều hơn vào mùa hè.

Mẹo hóa giải những “cơn điên rồ” của chồng

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, thực tế không phải ai cũng có được đức tính nhẫn nhịn và mát mẻ như cô vợ trong câu chuyện trên.

Với một người bình thường, khi gặp phải sự cáu giận vô lý của người bạn đời, tâm lý chung là sẽ tức giận theo hoặc ấm ức, buồn bực, than trách.

Mặc dù ai cũng muốn “cơm sôi bớt lửa, chồng giận bớt lời”, bà vợ nào cũng muốn mình trở thành chiếc “lạt mềm” để “buộc chặt” chồng nhưng mong muốn rất khác xa với thực tế. Thực tế những người vợ biết kham nhẫn và mát mẻ trước một người chồng nóng nảy, hung hăng, thô lỗ, vũ phu không nhiều.

Nếu có nhiều bà vợ như vậy thì làm gì có chuyện bạo lực gia đình, chồng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ.

Zalo
​Làm gì để làm dịu ‘cái đầu nóng’ của bạn đời

Vậy để có thể trở nên mát mẻ được như bà vợ ở trên thì phải làm thế nào?

Theo TS Nguyễn Thị Kim Quý, để có thể có được tâm tính mát mẻ trước sự nóng giận của người bạn đời, điều quan trọng là các bà vợ cần phải rèn luyện được đức tính nhẫn, phải chế ngự và điều khiển được tâm của mình.

Tiếp theo thì cần phải im lặng. Im lặng lúc này được xem là vàng. Bởi lôgic tâm lý khi tiếp nhận cơn giận của người khác, thường thì tâm mình cũng nổi giận theo.

Do vậy lúc này, im lặng và theo dõi tâm mình, nhận ra cơn giận đang sinh khởi trong tâm mình. Theo quy luật vô thường có sinh ắt có diệt, cơn giận sinh khởi và nó sẽ tự mất đi. Những diễn tiến đó của tâm xảy ra rất nhanh chỉ trong vài giây.

Khi nhận ra tâm mình đã hết giận, lúc này tâm bạn không bị cơn giận che khuất và đã trở nên sáng suốt. Lời nói hay hành động của bạn chỉ có thể mang lại lợi ích khi tâm trở nên sáng suốt.

TS Nguyễn Thị Kim Quý cho rằng, lúc bạn đời đang nói lời “điên rồ”, nếu bạn cũng đốp chát trả lời hay nói những lời vô nghĩa thì chỉ khiến cho cơn điên rồ của chồng trở nên điên rồ hơn. Lúc này lời nói của bạn không khác gì góp thêm dầu vào lửa và khiến cho lửa bùng cháy to hơn.

Vì thế cho nên, bí quyết để khiến cho mình trở nên bình tĩnh và không “đổ thêm dầu vào lửa” trước những cơn “điên rồ”. Ngoài ra, chị em cần xác định được mục đích của mình là hạnh phúc gia đình, là sự êm ấm hòa thuận chứ không phải là tranh cãi hơn thua.

Có được mẹo nhỏ trên cùng với việc có được mục tiêu lớn thì việc đối diện với người chồng nóng nảy sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Làm được như vậy, bất cứ người chồng nào, sau khi hết giận cũng sẽ cảm thấy biết ơn và yêu thương vợ mình hơn bất cứ điều gì khác trên đời”, TS Nguyễn Thị Kim Quý nói.