Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiết lộ nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón
TS.BS. Phạm Đình Nguyên cho biết, táo bón là một trong những vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Theo thống kê, có khoảng 10% trẻ em bị táo bón, trong đó có khoảng 30% trường hợp cần có sự can thiệp của bác sĩ.
Tác giả bài viết: TS.BS. Phạm Đình Nguyên – Phó khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh)
Zalo
TS.BS. Phạm Đình Nguyên – Bệnh viện Nhi Đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh)
Tùy theo lứa tuổi và chế độ ăn uống của trẻ mà số lần đi tiêu trong ngày và tính chất phân sẽ khác nhau. Số lần đi tiêu giảm dần theo tuổi, trẻ sẽ đi tiêu 1 – 2 lần/ ngày bắt đầu từ tháng thứ ba.
Tuy nhiên, một số trẻ chỉ đi tiêu 3 lần/ tuần dù được nuôi bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý và sức khỏe hoàn toàn bình thường.
Do vậy, trẻ được xem là táo bón khi số lần đi tiêu ít hơn bình thường hay dưới 3 lần/ tuần, phân cứng chắc, khó khăn hoặc đau đớn khi tiêu.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị táo bón
Khi bị táo bón, phân thường cứng chắc hơn bình thường làm trẻ đi tiêu rất khó khăn. Cảm giác đau đớn khiến trẻ quấy khóc và sợ không dám đi tiêu tiếp tục. Điều này tạo thành một vòng luẩn quẩn khiến tình trạng táo bón càng trầm trọng.
Nếu tình trạng táo bón nặng và kéo dài, trẻ có thể gặp khó khăn khi đi tiểu, tiểu lắt nhắt, đái dầm, mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, biếng ăn, chậm tăng cân hoặc suy dinh dưỡng.
Nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón
– Bé mải chơi nên lười biếng đi tiêu hoặc có cảm giác không riêng tư hay không vệ sinh khi sử dụng nhà vệ sinh ở nơi công cộng hay trường học.
– Thay đổi môi trường sống, thói quen sinh hoạt hay chế độ ăn uống.
– Tinh thần bị ức chế. Những trẻ sống trong gia đình có không khí căng thẳng, cha mẹ hay cãi vã thường có khả năng táo bón cao hơn.
– Vài loại thuốc có thể làm bé bị táo bón khi sử dụng nhiều như thuốc cầm tiêu chảy, thuốc ho có chứa codeine, thuốc co giật, thuốc chống động kinh…
– Khi chuyển từ sữa mẹ sang các loại sữa thay thế hay ăn dặm.
– Dị ứng sữa (thường gặp ở trẻ có cơ địa mẫn cảm, bản thân hoặc người nhà mắc bệnh hen suyễn, chàm…).
– Tình trạng ăn uống kém, mất nước khi bé sốt hay sau một đợt đau ốm, ăn quá nhiều đồ ngọt…
– Do mắc những chứng bệnh khác như nhược giáp, Hirschsprung, Down, tiểu đường, rối loạn điện giải trong máu, ngộ độc chì mạn tính, chậm phát triển, bại liệt, bệnh lý cột sống.
Trẻ bị táo bón và cách xử trí tại nhà
Mẹ cần kiên nhẫn khuyến khích, trấn an trẻ mỗi khi bé “ngồi bô” đồng thời tạo điều kiện để bé cảm thấy thoải mái hơn như giữ nhà vệ sinh thông thoáng sạch sẽ, chọn bô và bồn cầu có kích thước phù hợp với trẻ, cho trẻ ngồi ngâm vào nước ấm trước khoảng 5 – 10 phút.
Điều chỉnh chế độ ăn và sữa phù hợp với độ tuổi của bé. Đối với trẻ từ 6 tháng trở lên, có thể cho trẻ uống thêm nước trái cây, nhất là những loại nước trái cây có tính nhuận trường cao như cam, lê, táo, mận… Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, tránh dùng nhiều nước có ga và thức ăn ngọt.
Bổ sung thêm chất xơ vào chế độ ăn của bé bằng cách xay thêm rau xanh vào bột hay cháo.
Mẹ cần kiên nhẫn khuyến khích, trấn an trẻ mỗi khi bé “ngồi bô” đồng thời tạo điều kiện để bé cảm thấy thoải mái. Ảnh minh họa
Khi nào cần đưa trẻ bị táo bón đến bệnh viện?
Hầu hết các trường hợp táo bón ở trẻ nhỏ đều có thể điều trị tại nhà. Tuy vậy, mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để sử dụng “quyền trợ giúp” từ các bác sĩ khi đã áp dụng những biện pháp trên nhưng đều thất bại hay nghi ngờ bé bị dị ứng sữa hoặc có bệnh lý khác.